PHONG TỤC VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG VÀO NGÀY TẾT Ở MIỀN NAM – Viet Sun Travel
cart.general.title

PHONG TỤC VÀ NHỮNG ĐẶC TRƯNG VÀO NGÀY TẾT Ở MIỀN NAM

Tết cổ truyền là một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam ta. Tuy nhiên, ngày Tết Nguyên Đán ở mỗi vùng miền sẽ có những phong tục, văn hóa riêng khác nhau. Vậy bạn đã từng đón Tết ở miền Nam chưa? Tết miền Nam có đặc điểm gì khác so với 2 miền còn lại? Hãy cùng Viet Sun Travel tìm hiểu những điểm đặc trưng, nổi bật trong văn hóa đón Tết ở Miền Nam để cảm nhận nét độc đáo ở đây dưới bài viết này nhé!

1. Hoa mai: biểu tượng Tết miền Nam

Không biết từ khi nào, hình ảnh cành mai vàng rực rỡ lại trở thành biểu trưng cho ngày Tết cổ truyền của các gia đình miền Nam, Việt Nam. Nhà ai những ngày này không sắm được chậu mai lớn để trước nhà thì cũng phải mua vài cành bé xinh xinh rồi dán cả hoa giấy trang trí khắp tường, cửa thì mới thấy được không khí Tết.

Ngoài ra, hoa mai còn được xếp vào 4 loại tứ quý Tùng – Cúc – Trúc – Mai được tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Hơn thế nữa, hoa mai còn là dấu hiệu cho một năm mới vui vẻ, vạn sự khởi phát. Chính vì vậy, dù cho ngày Tết có bận như thế nào, người dân miền Nam cũng dành thời gian sắm sửa một cây mai trong nhà. 

2. Mâm cỗ Tết

Mâm cỗ trong phong tục đón Tết miền Nam khác rất nhiều so với miền Bắc. Vì khí hậu quanh năm ổn định, kể cả vào những ngày đầu năm nên mâm cơm miền Nam phong phú hơn về các loại rau củ quả. Canh khổ qua là món ăn không thể nào thiếu trong ngày Tết người phương Nam vì nó mang một ý nghĩa biểu trưng đặc biệt – “ăn cho đau khổ qua đi”, xua tan những khó khăn, khổ ải cho một năm mới may mắn, phát tài, phát lộc hơn. Bên cạnh đó, mâm cỗ các gia đình miền Nam còn có thêm chả giò, tôm khô củ kiệu, gỏi gà, bánh tét… Nhìn chung thì những món này khá dễ ăn, nhẹ nhàng, không ngán.

3. Mâm ngũ quả

Người miền Nam lựa chọn mâm ngũ quả theo tên gọi: “cầu sung vừa đủ xài” với ước nguyện một năm sung túc đủ đầy. Cầu chính là mãng cầu, sung là trái sung, vừa là cách phát âm lái của trái dừa, tiếp theo là đu đủ và cuối cùng là xoài. Ngoài ra, người ta còn hay thêm một cặp dưa hấu đỏ lòng để cầu may mắn trong năm mới. Khác với miền Bắc, người Nam không bao giờ bày chuối, cam hay lê, táo trên mâm ngũ quả. Vì cũng theo cách gọi tên thì những loại quả này tượng trưng cho sự không may như chúi nhủi, lê lết, quýt làm cam chịu… toàn những điều chẳng lành.

4. Các phong tục đón Tết truyền thống

Phong tục đón Tết miền Nam không thể nào thiếu chợ hoa xuân vào những ngày cuối năm. Họ không chỉ đi chợ để mua hoa về trưng mà còn chụp hình, ngắm nghía. Người miền Nam rất yêu hoa, họ xem hoa là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn và phúc lộc. Những ngày cận Tết, các gia đình miền Nam cũng có thói quen làm mứt. Các loại mứt dừa, mứt sầu riêng, mứt mãng cầu tự làm được bày đầy màu sắc trên bàn tiếp khách. Chẳng quan trọng là vị ngon ra sao đâu, quan trọng là được quây quần bên nhau cùng làm vài mẻ mứt, vậy là đã ấm lòng lắm rồi.

5. Các điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết 

Bên cạnh những phong tục đặc trưng, trong ngày Tết ở miền Nam thì mọi người sẽ kiêng kỵ một số điều sau:

- Về nhà trước đêm giao thừa: Người miền Nam quan niệm phải về nhà trước thời khắc giao thừa, nếu không thì năm mới sẽ phải bôn ba khắp nơi, cuộc sống vất vả.

- Cất chổi sau khi quét nhà: Nếu để mất chổi trong ngày Tết, đồng nghĩa với việc gia đình sẽ bị trộm cắp, hao hụt tài sản trong năm tới.

- Không để cối xay gạo trống rỗng: Trong những ngày đầu năm, người miền Nam thường kiêng việc để cối xay gạo trống, bởi nó tượng trưng cho mùa màng thất bát. Thay vào đó, họ sẽ để một ít lúa vào cối xay để cầu chúc năm mới lúa gạo đầy kho, cuộc sống ấm no. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng sẽ kiêng việc để trống hũ đường, hũ muối với ngụ ý tương tự.

- Kiêng quét nhà, làm vỡ đồ đạc và bát đĩa: Đây hầu như là điều kiêng kỵ trong ngày Tết miền Nam lẫn miền Bắc. Mọi người thường sẽ không quét nhà để tránh quét đi vận may, tiền tài trong năm mới. Đồng thời, ai ai cũng tránh việc tranh cãi, đổ vỡ đồ đạc để tránh điềm xui, vận xấu.

6. Lì xì

Lì xì ngày Tết là phong tục không thể thiếu ở cả miền Bắc và miền Nam. Thông thường, người dân miền Nam sẽ lì xì cho trẻ nhỏ, chúc các em mau ăn chóng lớn, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Trong khi đó, người miền Bắc thường lì xì và chúc Tết đầu Xuân cho cả người già lẫn trẻ nhỏ. Họ sẽ mừng tuổi, chúc thọ người lớn trước, sau đó mới tới trẻ nhỏ. Qua những câu chúc ý nghĩa, phong bao lì xì đỏ thắm, mọi người sẽ cùng chúc nhau năm mới may mắn, bình an, vạn sự như ý.

7. Truyền thống nấu bánh tét

Dù trải qua bao nhiêu cuộc biến đổi nhưng phong tục nấu bánh chưng, bánh tét vẫn được giữ gìn, phát triển trong ngày Tết miền Nam. Nguyên liệu và cách nấu của hai loại bánh này khá giống nhau, đều làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Tuy nhiên, tạo hình của bánh chưng và bánh tét hoàn toàn khác biệt.

Nếu miền Bắc thường gói bánh chưng theo hình vuông đặc trưng thì miền Nam gói bánh tét theo hình ống tròn, dài. Người miền Nam cho rằng bánh tét tượng trưng cho sự trường tồn, sức sống tiềm tàng và mạnh mẽ. Do vậy, họ thường cúng lễ tổ tiên với bánh tét hoặc gửi tặng người thân trong dịp Tết như một chúc chân thành.

8. Hoạt động dọn nhà trước tết

Dọn nhà dần trở thành đặc trưng Tết miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với hy vọng dọn sạch những điều không may mắn của năm cũ, dọn nhà trước ngày tết được xem như một khởi đầu tốt đẹp của năm mới. Hình ảnh cả gia đình vui vẻ dọn nhà hay nỗi ám ảnh lau chùi bộ bàn ghế long phượng được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên các trang xã hội vào mỗi dịp Tết. Có thể thấy, dù bất kỳ thời điểm nào thì Tết cũng mang đến nhiều kỷ niệm đẹp.

Phong tục đón Tết miền Nam có khá nhiều điều thú vị và khác biệt phải không nào. Còn rất nhiều điều hay ho về ngày Tết cổ truyền đang chờ bạn khám phá nữa đấy. Hãy đón đọc các bài viết tiếp theo của Viet Sun Travel nhé!

=> Inbox ngay hoặc gọi hotline 1800 5555 39 (miễn cước) để nhận thông tin về tour du lịch trong và ngoài nước ngay hôm nay nhé!